Công tác chống gian lận trọng lượng trên hàng đóng gói sẵn tại tỉnh Sóc Trăng năm 2018
Hiện nay, đa số các mặc hàng từ thiết yếu đến các mặt
hàng chuyên dùng đều được lưu thông ở dạng hàng hóa đóng gói sẵn. Chính vì vậy mà nhà sản xuất, kinh doanh không chân chính đã lợi dụng vào đặc trưng của nó là không có sự chứng kiến của khách hàng để thực hiện các hành vi vi phạm. Với hàng triệu sản phẩm
đóng gói sẵn trên thị trường, chắc chắn chúng ta đều đã từng bị mua phải sản phẩm
không đạt yêu cầu về trọng lượng.
Đối với người tiêu dùng, khi
mua hàng đóng gói sẵn như 01 kg đường, 01 chai dầu ăn hay 01 gói mì ăn liền thì
rất khó xác định được sự thiếu hụt. Hơn nữa, khi nhà sản xuất cố tình gian lận
và muốn qua mặt người tiêu dùng thì sự thiếu hụt trọng lượng này sẽ thể hiện rất
nhỏ khiến nhiều người tiêu dùng không để ý, không quan tâm mà nếu có quan tâm
thì cũng không có biện pháp gì để kiểm tra, bởi, thứ nhất họ không có sẵn thiết bị để kiểm tra, thứ 2 món
đồ nhiều lúc mua chỉ là gói đường, gói bánh nên cũng chẳng cần thiết để kiểm
tra.
Tuy nhiên, một gói hàng 100g
bị thiếu từ 10g đến 20g thì không lớn đối với cá nhân một người mua, nhưng xét góc độ tổng thể, với số lượng hàng triệu gói bán ra thì nhà sản
xuất đã gian lận được số tiền lớn. Điều này là không công bằng cho người tiêu dùng và những nhà sản xuất chân chính.
Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước ở địa phương và bảo vệ quyền lợi
của người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Sở Khoa học và
Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm
tra đối với các cơ sở sản xuất, buôn bán các mặt hàng đóng gói sẵn trên địa bàn
tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, Sở đã đưa rất nhiều nhóm hàng hóa vào trong diện thanh
tra, bao gồm: thực phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc xin, chế
phẩm sinh học dùng trong thú y, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân
bón...
Kết quả, trong
đợt thanh tra về hàng đóng gói sẵn vừa qua, Đoàn thanh tra liên ngành do Sở chủ
trì đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi về trọng lượng, bên cạnh đó còn phát hiện
sản phẩm, hàng hóa bị ghi nhãn sai quy định. Đáng chú ý là hầu như
nhóm hàng hóa nào cũng có mặt hàng, sản phẩm vi phạm về trọng lượng và nhãn.
Qua đánh giá sơ bộ, nhóm hàng hóa đóng gói sẵn có tỷ lệ vi phạm cao điển hình
là: thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy
sản.
Hành vi vi phạm về trọng lượng sẽ bị xử phạt theo Điều 15, 16 của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính
phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường,
chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Mức
phạt tiền thấp nhất đối với cơ sở buôn bán là 2.000.000 đồng và đối với cơ sở
sản xuất nhập khẩu là 5.000.000 đồng. Riêng mức phạt cao nhất sẽ được tính theo
số lợi bất hợp pháp mà cơ sở có được, cụ thể, phạt tiền từ 04 lần
đến 05 lần số tiền thu lợi bất hợp pháp có được trong trường hợp số tiền thu
lợi bất hợp pháp đó trên 500.000.000 đồng. Như vậy, mức phạt
cao nhất có thể lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, tùy trường hợp, cơ sở vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp
lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm.
Việc nhà sản xuất gian lận để kiếm lợi bất chính là
nguyên nhân thường thấy và dễ hiểu. Tuy nhiên, đối với hàng đóng gói sẵn,
nguyên nhân còn xuất phát từ nhiều phía. Thông thường, khi mua hàng đóng gói
sẵn người tiêu dùng sẽ quan tâm xem nhà sản xuất in trọng lượng sản phẩm nặng
bao nhiêu để lựa chọn cho phù hợp chứ hầu như mọi người đều không có thói quen
kiểm tra lại trọng lượng sản phẩm khi mua về. Bên cạnh đó, như đã đề cập, để
kiểm tra lượng thiếu hụt cần phải có dụng cụ để kiểm tra (cân điện tử, ống đong
thể tích...) mà không phải ai cũng có sẵn. Chính vì nắm được thói quen và nhược
điểm này, nhiều doanh nghiệp đã gian dối trong khâu đóng gói để “rút ruột” sản phẩm.
Từ thực tế đó, tỉnh Sóc Trăng đã nhận định chống gian lận trọng lượng trên
hàng đóng gói sẵn là công tác thường xuyên và lâu dài, trong đó, các cơ quan quản
lý nhà nước phải có vai trò và trách nhiệm chính. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp
tục chỉ đạo các sở, ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời, kết hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật
nhằm tạo sự thay đổi trong nhận thức, xuất phát dẫn đến vi phạm,
giúp các cơ sở có hành động đúng đắn trong việc chấp hành các quy định của pháp
luật.
Võ Thanh Tùng